Tóm tắt:
Theo một nghiên cứu mới những ảnh hưởng trên não của việc sử dụng cần sa lâu dài có thể phụ thuộc vào tuổi sử dụng lần đầu tiên và thời gian sử dụng. Các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên mô tả toàn diện những bất thường tồn tại trong chức năng và cấu trúc của não của những người sử dụng cần sa lâu dài với những kĩ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI)
Những ảnh hưởng trên não của việc sử dụng cần sa mãn tính có thể phụ thuộc vào tuổi sử dụng lần đầu tiên và thời gian sử dụng, theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm BrainHealth tại Đại học Texas ở Dallas.
Trong một bài báo được công bố trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS), các nhà nghiên cứu lần đầu tiên mô tả toàn diện các bất thường trong chức năng và cấu trúc não của những người sử dụng cần sa lâu dài với kĩ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI). Kết quả cho thấy những người sử dụng cần sa mãn tính có thể tích vùng vỏ não trán – hốc mắt (OFC) nhỏ hơn, vị trí mà thường liên quan đến nghiện, nhưng đồng thời hoạt động liên lạc trong não lại tăng lên.
Tiến sĩ Francesca Filbey, Giám đốc Nghiên cứu khoa học về nhận thức trong những bệnh nghiện chất tại Trung tâm BrainHealth và Phó Giáo sư của Khoa hành vi và khoa học về bộ não tại Đại học Texas ở Dallas nói "Chúng tôi đã thấy một sự gia tăng đều đặn trong tỷ lệ sử dụng cần sa từ năm 2007,". "Tuy nhiên, nghiên cứu về những ảnh hưởng lâu dài của cần sa vẫn còn hiếm, mặc dù đã có những thay đổi về luật pháp xung quanh việc sử dụng cần sa và những câu chuyện tiếp tục xung quanh chủ đề sức khỏe cộng đồng này."
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu 48 người trưởng thành sử dụng cần sa và 62 người không sử dụng phù hợp về tuổi, giới, đã tính đến vấn đề sai số tiềm tàng như giới tính, độ tuổi và dân tộc. Các tác giả cũng đồng thời kiểm soát việc dùng thuốc lá và sử dụng rượu. Tính trung bình, những người sử dụng cần sa tham gia nghiên cứu sử dụng cần sa ba lần mỗi ngày. Những test kiểm tra nhận thức cho thấy rằng những người sử dụng cần sa mãn tính có chỉ số IQ thấp hơn so với nhóm đối chứng tương ứng về giới tính và lứa tuổi nhưng sự khác biệt dường như không liên quan đến các bất thường về não vì không có sự tương quan trực tiếp nào có thể được rút ra giữa việc giảm chỉ số IQ và sự giảm thể tích vỏ não vùng trán – hốc mắt.
"Điều độc đáo của nghiên cứu này là nó kết hợp ba kỹ thuật MRI khác nhau để đánh giá những đặc điểm não khác nhau", tiến sĩ Sina Aslan, người sáng lập và chủ tịch của kĩ thuật MRI nâng cao, LLC và trợ lý giáo sư tại Đại học Texas ở Dallas nói. "Những kết quả cho thấy sự gia tăng hoạt động liên lạc, cả về cấu trúc và chức năng của não có thể bù cho sự mất chất xám của não. Tuy nhiên, cuối cùng, hoạt động liên lạc về mặt cấu trúc của não sẽ bắt đầu suy giảm khi sử dụng cần sa kéo dài".
Các xét nghiệm cho thấy việc bắt đầu sử dụng cần sa thường xuyên sớm hơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động liên lạc về mặt cấu trúc và chức năng của não nhiều hơn. Sự gia tăng lớn nhất trong hoạt động liên lạc xuất hiện khi một cá nhân bắt đầu sử dụng cần sa. Các kết quả cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc sử dụng cần sa liên quan trực tiếp đến hoạt động liên lạc.
Mặc dù hoạt động liên lạc về mặt cấu trúc đã bị tăng sẽ giảm sau sáu đến tám năm tiếp tục sử dung, những người sử dụng cần sa tiếp tục biểu hiện hoạt động liên lạc trong não tăng hơn so với người khỏe mạnh không sử dụng, điều này có thể giải thích lý do tại sao những người sử dụng lâu dài, mãn tính "dường như vẫn ổn" mặc dù thể tích vỏ não vùng trán – hốc mắt giảm đi, Filbey giải thích.
Tiến sĩ Filbey nói "cho đến nay, các nghiên cứu hiện có về những ảnh hưởng lâu dài của cần sa trên các cấu trúc não không có sức thuyết phục nhiều do những hạn chế về phương pháp". "Trong khi nghiên cứu của chúng tôi không giải quyết được một cách thuyết phục liệu rằng bất kỳ hoặc tất cả những thay đổi trên não có phải là một hệ quả trực tiếp của việc sử dụng cần sa hay không, những hệ quả này gợi ý rằng những thay đổi này liên quan đến tuổi bắt đầu sử dụng và thời gian sử dụng."
Nghiên cứu này cung cấp một chỉ điểm ban đầu rằng chất xám trong vỏ não vùng trán – hốc mắt có thể dễ bị tổn thương hơn so với chất trắng với tác động của delta-9-tetrahydrocannabinol (THC), thành phần chính tác động lên tâm thần trong cây cần sa. Theo các tác giả, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rằng việc sử dụng cần sa mãn tính sẽ khởi động một quá trình phức tạp cho phép tế bào thần kinh thích ứng và bù đắp với lượng chất xám giảm đi, nhưng những nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để xác định liệu những thay đổi này có trở lại bình thường khi ngưng sử dụng cần sa hay không và liệu những hệ quả tương tự có xuất hiện ở những người sử dụng cần sa không thường xuyên so với người sử dụng mãn tính hay không và liệu những hệ quả này có phải thực sự là một kết quả trực tiếp của việc sử dụng cần sa hay là một yếu tố bẩm sinh.
Tham khảo:
1. Francesca M. Filbey, Sina Aslan, Vince D. Calhoun, Jeffrey S. Spence, Eswar Damaraju, Arvind Caprihan, và Judith Segall. Ảnh hưởng lâu dài trên não của việc sử dụng cần sa. PNAS, 10 tháng 11 năm 2014 DOI: 10,1073 / pnas.1415297111