Giới thiệu
Mối liên quan giữa sử dụng cần sa và loạn thần đã được nghiên cứu, tuy nhiên sau giai đoạn khởi phát loạn thần, tác động của việc tiếp tục sử dụng hoặc ngưng sử dụng cần sa vẫn chưa được hiểu rõ. Mục đích của nghiên cứu này nhằm tổng kết những bằng chứng sẵn có, tập trung vào tìm hiểu mối liên hệ giữa việc tiếp tục sử dụng hoặc ngưng sử dụng cần sa sau khởi phát loạn thần và sự tái phát triệu chứng.
Phương pháp
Trong phân tích cộng gộp này, chúng tôi tiến hành trên cơ sở dữ liệu của MEDLINE các nghiên cứu được công bố trên tất cả các ngôn ngữ, từ lúc thành lập cơ sở dữ liệu đến ngày 21 tháng 04 năm 2015, mẫu nghiên cứu bao gồm các bệnh nhân rối loạn loạn thần với thời gian theo dõi ít nhất 6 tháng. Chúng tôi dùng một phức hợp các thuật ngữ để mô tả về cần sa, kết quả của sự tác động (tái phát triệu chứng loạn thần), và quần thể nghiên cứu. Chúng tôi loại trừ các nghiên cứu nếu tình trạng tiếp tục sử dụng hoặc ngưng sử dụng cần sa không được đề cập đến. Chúng tôi cũng so sánh sự tái phát triệu chứng giữa những người tiếp tục sử dụng, hoặc ngưng sử dụng cần sa với những người không sử dụng.
Kết quả
Với 1903 trích dẫn được xác định, 24 nghiên cứu với 16 565 đối tượng thỏa mãn tiêu chuẩn chọn lựa. Không phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, những người tiếp tục sử dụng cần sa có nguy cơ lớn hơn trong sự tái phát triệu chứng loạn thần hơn cả hai nhóm không sử dụng (p<0,0001) và nhóm ngưng sử dụng (p<0,0005), cũng như thời gian lưu viện dài hơn nhóm không sử dụng cần sa (p=0,02). Nhóm tiếp tục sử dụng cần sa chịu tác động lớn hơn trên nguy cơ tái phát (p=0,04), các triệu chứng dương tính (p=0,05) và mức độ các rối loạn hoạt năng (p=0,008), nhưng không có sự khác biệt trên triệu chứng âm tính (p=0,41).
Bàn luận
Tiếp tục sử dụng cần sa sau khi khởi phát triệu chứng loạn thần dự báo tiên lượng xấu, bao gồm tăng tỉ lệ tái phát, tăng thời gian lưu viện, và nhiều triệu chứng dương tính nặng hơn ở những người ngưng sử dụng cần sa và những người không sử dụng cần sa. Các dẫn chứng trên chỉ ra rằng giảm sử dụng cần sa là mục tiêu can thiệp quan trọng để cải thiện tiên lượng ở các bệnh nhân có loạn thần.